Cuộc đại phẫu cỗ máy quốc gia 1.7.2025: Ngày 'Phép Vua' Kết Liễu 'Lệ Làng
Muốn biết chuyện gì đã, đang và sẽ xảy ra trong ít nhất là 5-10 năm tới với chính đất nước không? Vậy thì đừng bỏ qua bài viết này, mày sẽ hối hận nếu lướt qua đấy.
Trước khi tin vào bất kỳ lời hoa mỹ nào về "vận hội mới", "kỷ nguyên vươn mình" , hãy tự hỏi ba điều này.
Thứ nhất, đây là một cuộc "tinh gọn bộ máy" thông thường, hay là đòn ân huệ cuối cùng mà "phép vua" ban cho "lệ làng" sau một ngàn năm vật lộn dai dẳng?
Thứ hai, khi cỗ máy kinh tế quốc gia đang cạn xăng và quả bom nợ sắp phát nổ, cuộc "đại phẫu" này thực chất là gì:
một tầm nhìn chiến lược cho tương lai, hay là một hành động tuyệt vọng để tái cấu trúc nợ và thanh lý tài sản trước khi mọi thứ sụp đổ?
Và cuối cùng, khi thay thế bộ máy quan liêu, trì trệ bằng một hệ thống tập quyền siêu tốc được giám sát bằng công nghệ, chúng ta thực sự nhận được gì:
một chính quyền hiệu quả trong mơ, hay một cỗ máy giòn tan, mong manh có thể sụp đổ theo kiểu domino chỉ với một cuộc khủng hoảng duy nhất?
Cuộc tập trung quyền lực theo chiều dọc với quy mô chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.
Cái tên "tinh gọn bộ máy" chỉ là uyển ngữ , thực chất là phá vỡ + xoá xổ cấu trúc quyền lực địa phương (local power structures) đã tồn tại từ khi nền văn minh Trung hoa được du nhập vào miền Bắc.
Mỗi tỉnh trước đây là một "tiểu vương quốc" với bộ máy, nhóm lợi ích, và các mối quan hệ riêng.
Các đời vua chúa Việt Nam biết rõ căn bệnh cục phương cục bộ nhưng đành bất lực để chuyện phép vua thua lệ làng diễn ra.
Vua ban chiếu chỉ, nhưng về đến làng xã, nó được diễn giải, điều chỉnh, thậm chí là phớt lờ thông qua cái gọi là "hương ước".
Làng xã là một đơn vị tự trị tương đối, có luật lệ riêng, có bộ máy (hội đồng kỳ mục, chức dịch) riêng, có ngân sách riêng.
Triều đình chỉ có thể thu thuế và bắt lính, còn lại mọi việc trong làng, triều đình gần như bất lực.
Vì những người học hành ra làm quan thì quá xa cách không thể ở gần và hiểu dân chúng như các ông hội đồng làng vốn dĩ lợi ích gắn chặt chẽ với ruộng đất, thuế má nơi mình sống.
Các "tiểu vương quốc" không dừng lại ở các làng xã.Nó còn là các trấn, các phủ, sau này là các tỉnh.
Người đứng đầu một trấn, một tỉnh (trấn thủ, tổng đốc) thường là một ông vua con, có trong tay cả quân sự, hành chính, tư pháp.
Họ có mạng lưới lợi ích riêng, có dòng tiền riêng, có lòng trung thành của quân lính và quan lại địa phương.
Lịch sử Việt Nam đầy rẫy những cuộc nổi loạn xuất phát từ chính các "sứ quân" địa phương này.
Ngay cả khi họ không nổi loạn, họ cũng là những nút thắt cổ chai khổng lồ, làm cho ý chí từ mệnh lệnh của trung ương bị suy yếu khi truyền xuống.
Người Pháp khi vào đây cũng nhận ra điều đó. Họ không dại gì phá vỡ cấu trúc làng xã.
Ngược lại, họ duy trì và lợi dụng nó.
Họ đặt một hệ thống cai trị của mình lên trên, và dùng chính các chức dịch, các hội đồng kỳ mục ở làng xã làm tay sai để kiểm soát dân chúng.
Họ biến "lệ làng" thành công cụ phục vụ cho "phép vua" của chính họ.
Kể cả sau khi Đảng Cộng Sản lần lượt triệu tiêu hết các đối thủ và nắm quyền lực thực sự từ năm 1954 ở miền Bắc và cả nước sau 1975 họ cũng không dám đụng chạm đến các vấn đề này.
Bởi vì cấu trúc quyền lực + hành chính của ĐCS chỉ là bình cũ rượu mới dựa trên ngàn năm quân chủ chuyên chế theo mô hình trung hoa không thể từ bỏ dễ dàng chỉ trong vài chục năm.
Các "sứ quân" không còn là các ông quan phong kiến, mà là các Bí thư Tỉnh ủy, các Chủ tịch tỉnh với "sân sau" là các doanh nghiệp địa phương.
Bọn này vẫn có xu hướng "cục bộ" xây dựng "tiểu quốc" , bảo vệ lợi ích của tỉnh mình, sẵn sàng đi ngược, chống lại với ý chí của trung ương nếu có mâu thuẫn về lợi ích.
Cuộc chiến chống tham nhũng, "đốt lò" trong những năm qua, phần lớn chính là nhắm vào các "sứ quân" thời hiện đại này.
Và bây giờ, cuộc sáp nhập này chính là đòn quyết định, mang tính cấu trúc để giải quyết dứt điểm vấn đề ngàn năm.
Nó không chỉ "đốt" vài cái lò, nó đập bỏ cả cái bếp cũ đi.
Việc sáp nhập 2-3 tỉnh lại với nhau và chỉ định một bộ máy lãnh đạo hoàn toàn mới là cách nhanh nhất để vô hiệu hóa các "sứ quân" cũ.
Quyền lực giờ đây không bị phân tán ở nhiều tỉnh nữa, mà được gom về một đầu mối duy nhất, một Bí thư, một Chủ tịch tỉnh mới.
Đầu mối này dĩ nhiên sẽ chịu sự chỉ đạo trực tiếp và chặt chẽ hơn từ trung ương.
Một vị Bí thư mới được điều từ nơi khác đến, nắm một siêu tỉnh mới, sẽ không bị ràng buộc bởi các "nghĩa vụ", "tình cảm" với các phe nhóm cũ.
Lòng trung thành của họ sẽ hướng thẳng về trung ương, nơi đã chỉ định họ chiếc ghế quyền lực , một ân huệ không dám quên.
Vì sao đến bây giờ Hà Nội mới dám làm?
Câu trả lời nằm ở công nghệ.
Các vị vua chúa bất lực vì thiếu công cụ để giám sát nên cần đến các hương lý, hương hào.
Ngày nay hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia, định danh điện tử, chuyển khoản ngân hàng, camera giám sát... quyền lực của trung ương do Bộ Công An nắm yết hầu có thể vươn tới từng cá nhân, chứ không chỉ đến cổng làng nữa.
"Lệ làng" không còn đất sống khi mọi giao dịch, mọi biến động đều được số hóa và kiểm soát bởi một hệ thống duy nhất.
Nói trắng ra, đây là hành động siết chặt kỷ luật và đảm bảo mệnh lệnh từ trên xuống được thi hành tuyệt đối, không còn bị khúc xạ hay cản trở bởi các lợi ích địa phương.
Hãy nhớ rõ bản chất của cuộc cách mạng này nhằm hiện thực hóa giấc mơ ngàn năm của mọi nhà nước ở Việt Nam:
xây dựng một bộ máy tập quyền tuyệt đối, nơi "phép vua" không chỉ thắng mà còn xóa sổ hoàn toàn "lệ làng".
Chuyện này có tiền lệ xảy ra chưa?
Cũng không hẳn là độc nhất vô nhị trên thế giới về mặt hình thức nhưng lại kỳ quặc , đặc biệt ở ở tốc độ, quy mô đồng loạt và mục tiêu kép (kinh tế + chính trị) được thực hiện trong một hệ thống tập quyền.
Ở Đan Mạch từng xảy ra cuộc cải cách Kommunalreformen năm 2007 cũng khá tương đồng với mô hình Việt Nam.
Họ xoá xổ 13 hạt (counties - tương đương với cấp tỉnh cũ hoặc huyện lớn) giảm số lượng đô thị tự quản (municipalities - tương đương cấp huyện/xã gộp lại) từ 271 xuống chỉ còn 98.
Cuộc cải tổ này được thực hiện dựa trên logic "kinh tế quy mô" (economies of scale) cho rằng tạo ra các đơn vị hành chính đủ lớn mạnh , cung cấp phúc lợi và dịch vụ công sẽ hiệu quả hơn là để các cấp địa phương tự bơi.
Thứ hai là Nhật Bản với cuộc sát nhập thời kỳ Bình Thành (Heisei) từ 1999-2010 , giảm số lượng đô thị tự quản từ 3,232 xuống còn 1,727.
Tokyo làm vậy bởi vì khủng hoảng kinh tế và áp lực nhân khẩu học (dân số già hóa, nông thôn suy thoái) đè nặng lên quốc gia.
Các đô thị nhỏ không còn đủ nguồn thu thuế để tồn tại, nên chính phủ trung ương đã khuyến khích (bằng các gói hỗ trợ tài chính) họ sáp nhập lại để tinh giản bộ máy, giảm chi phí và nâng cao năng lực quản trị.
Tuy nhiên đó là khi họ diễn ra với mức độ tham vấn, tranh luận, trưng cầu dân ý với rất nhiều năm. Còn một cái nữa khá gần Việt Nam hơn.
Mô hình "Sốc" do khủng hoảng của Hy Lạp .Tên chính thức là Chương trình Kallikratis (2011) xảy ra sau cuộc khủng hoảng nợ công kinh hoàng buộc phải cải cách hành chính , giảm số lượng đô thị từ 1,034 xuống còn 325.
Làm rất nhanh và quyền liệt phải nói là tàn bạo để cứu vãn nền tài chính kiệt quệ của quốc gia , giống VN ở chỗ về tốc độ và tính áp đặt từ trên xuống.
Nhưng đây là một cuộc vây hãm được chuẩn bị suốt gần một thập kỷ, một chiến dịch được triển khai trên nhiều mặt trận cùng lúc, mà cái ngày 1/7/2025 chỉ là thời điểm tổng công kích cuối cùng.
Cái cảm giác "vội vàng" mà mày thấy là do người ta chỉ chú ý đến hành động sáp nhập địa giới.
Nhưng thực chất, cuộc chuẩn bị đã diễn ra từ lâu, qua ít nhất bốn giai đoạn song song.
Giai đoạn 1: Khởi động Ý chí Chính trị và Dọn đường Pháp lý (2017 – 2019)
Mọi thứ không bắt đầu từ năm 2025.
Mày phải quay lại tận Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII vào tháng 10 năm 2017.
Đó là lúc Nghị quyết 18-NQ/TW ra đời, với những mệnh đề sắt đá về "tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"
Trong nghị quyết này đã nói rõ về việc "sắp xếp, thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn".
Đây chính là phát súng lệnh đầu tiên.
Ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cụ thể hóa nó bằng Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14, đưa ra các tiêu chí cụ thể về diện tích, dân số để sáp nhập huyện, xã
Đây là giai đoạn chuyển ý chí chính trị thành khung pháp lý. Họ đã chuẩn bị cái khuôn từ năm 2019 rồi.
Giai đoạn 2: Thử nghiệm Mô hình Cai trị Mới (2019 – 2022)
Họ không dại gì làm đồng loạt ngay.
Họ đã thử nghiệm. Mày còn nhớ chuyện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp phường tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng không?
Đó chính là một cuộc diễn tập trên quy mô lớn cho mô hình chính quyền hai cấp.
Bằng cách bỏ HĐND cấp phường, họ đã thử nghiệm một mô hình chính quyền địa phương tinh gọn hơn, nơi quyền lực tập trung vào nhánh hành pháp (UBND), chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ cấp quận.
Họ đã xem xét phản ứng của xã hội, đo lường hiệu quả và các rủi ro của việc loại bỏ một cấp dân cử trung gian.
Khi thấy mô hình này "chạy tốt", họ mới tự tin nhân rộng ra cả nước bằng cách xóa bỏ hoàn toàn cấp huyện.
Giai đoạn 3: Xây dựng Thanh gươm Công nghệ (2020 – 2024)
Đây là mặt trận quan trọng nhất, là yếu tố then chốt cho phép họ "đốt cháy giai đoạn".
Tại sao các triều đại trước bất lực? Vì họ không có công cụ để kiểm soát.
Lần này thì khác. Song song với việc chuẩn bị pháp lý, một cuộc cách mạng về công nghệ quản trị đã diễn ra:
Đề án 06 và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Việc cấp Căn cước công dân gắn chip và xây dựng một trung tâm dữ liệu duy nhất về toàn bộ công dân là bước đi chiến lược . Nó cho phép nhà nước quản lý con người không cần thông qua bộ máy hành chính cồng kềnh ở địa phương nữa. Mọi thông tin đều nằm trong tay trung ương.
Chuyển đổi số và Hóa đơn điện tử: Việc ép buộc sử dụng hóa đơn điện tử, kết nối máy tính tiền về thẳng tổng cục thuế, và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đã tạo ra một hệ thống giám sát dòng tiền và hoạt động kinh tế theo thời gian thực.
Thanh gươm công nghệ này chính là thứ cho phép họ tự tin rằng dù bộ máy cơ sở có xáo trộn, họ vẫn kiểm soát được tình hình thông qua dữ liệu.
Giai đoạn 4: Dọn dẹp Bàn cờ Nhân sự (2016 – 2024)
Cuộc chiến "đốt lò" không chỉ là chống tham nhũng.
Về mặt chiến lược, nó là một cuộc dọn dẹp chính trị quy mô lớn.
Nó đã loại bỏ hàng loạt các "sứ quân" địa phương, các Bí thư, Chủ tịch tỉnh có quyền lực lớn, có mạng lưới lợi ích riêng và có khả năng chống lại sự thay đổi.
Khi các "cây đa cây đề" này bị triệt hạ, việc bổ nhiệm một thế hệ lãnh đạo mới, trẻ hơn, trung thành hơn và sẵn sàng chấp hành mệnh lệnh để lèo lái các "siêu tỉnh" mới trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Họ đã dọn dẹp các chướng ngại vật về con người trước khi tiến hành thay đổi cấu trúc.
Vậy là chúng đã lên bàn cờ này từ rất lâu và chuẩn bị rất kỹ.
Cái cảm giác "vội vàng" thực chất chỉ là cơn rung chấn cuối cùng của một trận động đất đã âm ỉ từ lâu.
Các mảng kiến tạo về chính trị, pháp lý, công nghệ và nhân sự đã dịch chuyển ngầm từ nhiều năm trước. Đến ngày 1/7/2025, chúng chỉ va vào nhau và tạo ra một trật tự mới trên bề mặt.
Ngân sách quốc gia như dòng sông cạn.
Theo tao đây mới là nguyên nhân chính còn yếu tố thâu tóm quyền lực chỉ là đứng thứ yếu.
Vì nếu dòng tiền tắc nghẽn thì cả bộ máy chết đứng.
Cỗ máy kinh tế sắp hết xăng, và đây là một nỗ lực tuyệt vọng để vừa giảm tiêu hao, vừa tìm một nguồn nhiên liệu mới.
Cũng là nguồn cơn cho chuỗi truy bắt thuế má ráo riết, xiết luôn cả thuế khoán của các hộ kinh doanh, tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ.
Cỗ máy kinh tế Việt Nam trong nhiều năm chạy bằng bốn động cơ chính: FDI giá rẻ, xuất khẩu thô, kiều hối, và bơm tín dụng điên cuồng vào bất động sản.
Giờ hãy xem, cả bốn cái động cơ này đang đồng loạt hỏng hóc hoặc hết nhiên liệu.
FDI đang có xu hướng tìm đến những nơi an toàn hơn, hoặc những nơi có trình độ công nghệ cao hơn.
Cuộc chơi nhân công giá rẻ mạt đã đến hồi kết.
Kiều hối chậm lại vì kinh tế toàn cầu khó khăn, thế hệ người Việt ở nước ngoài cũng dần thay đổi.
Lũ trẻ lớn lên không còn cảm thấy gắn kết với cái quốc gia cha mẹ chúng nó liều mạng vượt biên bỏ đi.
Những người thân họ hàng giờ cũng ngày càng xa cách nếu không muốn là người dưng xa lạ nếu cha mẹ họ chết đi.
Xuất khẩu, cái yết hầu của nền kinh tế, đang đối mặt với một tương lai bất định.
Trump quay lại và vung cây gậy thuế quan và nếu đàm phán thương mại thất bại thì toàn bộ mô hình dựa vào xuất khẩu sang Mỹ sẽ sụp đổ trong một đêm vì doanh nghiệp không thể chuyển đổi chuỗi cung ứng ngay sang các thị trường EU, Trung Đông , Mỹ Latin.
Mà với cái bộ máy cầm quyền của chính quyền Trump ( vẫn ngồi đến năm 2028) thế này thì nhà trắng sẽ không ngừng gây áp lực lên cán cân xuất khẩu của Việt Nam nhằm ép phải chọn phe, chuyển đổi chuỗi cung ứng tách rời khỏi Trung Quốc.
Không còn thời gian hay lựa chọn nào mà buộc phải chọn phe - dù là Bắc Kinh hay Washington D.C thì kết cục đều đen tối y hệt nhau.
Nhưng cái ung nhột tệ nhất không phải chỗ đó.
Mà là quả bom nợ.
Nợ công, nợ của các tập đoàn quốc doanh, và đặc biệt là nợ của đám "tư bản đỏ" được bảo lãnh bằng quyền lực chính trị.
Trong nhiều năm chúng nó đã vay nợ điên cuồng bằng cách phát hành trái phiếu rác với lãi suất lên đến 20-30% dù biết thừa không đủ khả năng trả.
Tân Hoàng Minh, SCB, Vạn Thịnh Phát làm bại lộ hết tất cả.
Giờ thị trường đóng băng, chuỗi cung ứng vốn đứt gãy, dòng tiền điêu đứng thì chúng nó không đủ sức trả nợ.
Món nợ đó, dù danh nghĩa là của doanh nghiệp, nhưng thực chất là một khoản nợ treo trên đầu ngân sách nhà nước, vì sự sụp đổ của chúng sẽ kéo theo cả hệ thống tài chính sụp.
Một khi người dân hoang mang, kéo đi rút tiền ồ ạt và nhận ra ngân hàng không đủ tiền mặt (bank run) thì siêu lạm phát những năm 80s chỉ là khúc ngủ trưa dịu dàng.
Trong bối cảnh đó, ngân sách nhà nước lại ngày càng thâm hụt. Chi thì nhiều mà thu thì khó. "Tiền tươi" trong hệ thống đang cạn dần.
Bây giờ, đặt cái hành động "sáp nhập tỉnh" vào đúng bối cảnh này, mày sẽ thấy nó không phải là một lựa chọn, mà là một sự bắt buộc.
Cái lý do "giảm chi cho bộ máy quan liêu" là có thật, nhưng nó chỉ là phần nổi của tảng băng.
Cắt giảm lương của vài ngàn công chức dôi dư chỉ như muối bỏ bể so với núi nợ khổng lồ kia.
Mục tiêu thực sự sâu và tàn khốc hơn nhiều.
1. Tái cấu trúc nợ và thanh lý tài sản trên quy mô lớn:
Sáp nhập tỉnh không chỉ là sáp nhập người, mà là sáp nhập bảng cân đối kế toán.
Nó cho phép chính quyền mới gộp toàn bộ tài sản công (đặc biệt là đất đai) và các khoản nợ của các tỉnh cũ lại làm một.
Họ có thể lấy "đất vàng" của tỉnh A (vốn khỏe mạnh hơn) để gán nợ hoặc bán đi trả cho các khoản nợ xấu của tỉnh B (vốn đang trên bờ vực phá sản).
Đây là một nghiệp vụ tài chính khổng lồ, một cuộc thanh lý tài sản cấp vùng được ngụy trang dưới vỏ bọc cải cách hành chính, nhằm làm sạch sổ sách và tránh một vụ vỡ nợ công khai.
2. Tạo ra một "sân chơi" mới để hút dòng vốn thế hệ tiếp theo:
Khi dòng vốn cũ (FDI giá rẻ, tín dụng BĐS) đã cạn, họ buộc phải tạo ra một mô hình mới để hút vốn.
Mô hình này là các siêu dự án hạ tầng, khu công nghệ cao, cảng biển nước sâu, năng lượng tái tạo... những thứ đòi hỏi quy mô đất đai khổng lồ và một cơ chế ra quyết định "siêu tốc".
Việc sáp nhập tỉnh tạo ra các "siêu địa phương" với quỹ đất mênh mông và một đầu mối quyền lực duy nhất có thể phê duyệt các dự án tỷ đô này.
Họ đang cố gắng biến những vùng đất mới sáp nhập thành những thỏi nam châm đủ mạnh để hút dòng vốn FDI chất lượng cao và vốn đầu tư hạ tầng quốc tế, thứ nhiên liệu duy nhất có thể thay thế cho nguồn cũ.
3. Siết chặt tuyệt đối nguồn thu:
Trong cơn khát tiền, mọi sự thất thoát đều không thể chấp nhận.
Việc loại bỏ các cấp trung gian và tập trung quyền lực vào một đầu mối giúp trung ương kiểm soát chặt chẽ hơn các nguồn thu thuế, phí, và đặc biệt là thu từ đất đai, tránh việc bị các "sứ quân" địa phương giữ lại hay "sáng tạo" trong báo cáo.
Đây không phải là chuyện "thắt lưng buộc bụng" đơn thuần.
Đây là một cuộc đại phẫu thuật trong cơn nguy kịch.
Cỗ máy cũ đang chết dần, chúng phải đập nó ra, lấy những linh kiện còn tốt, bán sắt vụn những thứ đã hỏng, rồi lắp ráp lại thành một cỗ máy hoàn toàn mới với hy vọng nó có thể chạy bằng một loại nhiên liệu khác.
Rủi ro là cực lớn, nhưng không làm thì chắc chắn sẽ chết.
Đó là về dòng tiền, sau đây là còn hai mục tiêu mà Hà Nội muốn đoạt được bằng mọi giá.
Tốc độ truyền lệnh và cường độ kiểm soát.
Trước đây, dòng chảy chỉ đạo là Trung ương -> Tỉnh -> Huyện -> Xã.
Cấp Huyện giống như một cái "trạm biến áp" hay một "bức tường lửa" (firewall).
Nó vừa làm giảm tốc độ, vừa lọc và diễn giải lại mệnh lệnh từ cấp Tỉnh trước khi đẩy xuống Xã.
Đôi khi nó là một bộ đệm cần thiết, nhưng thường xuyên hơn, nó là một nút thắt cổ chai, nơi các mệnh lệnh bị trì hoãn, bị bóp méo vì lợi ích cục bộ của cấp Huyện.
Bây giờ, bằng cách loại bỏ cấp Huyện, dòng chảy trở thành một đường ống thẳng trơn láng.
Một mệnh lệnh từ "đầu não" của tỉnh mới có thể bắn thẳng xuống từng chủ tịch xã.
Khi cần giải phóng mặt bằng cho một siêu dự án, lệnh sẽ đi thẳng từ chủ tịch tỉnh tới xã A, xã B, xã C phải thực hiện, không còn phải lòng vòng qua một cấp trung gian để "làm việc tư tưởng" hay đàm phán nữa.
Việc huy động đất đai, nhân lực, hay bất kỳ nguồn lực nào khác cho các mục tiêu chiến lược của tỉnh sẽ nhanh hơn theo cấp số nhân.
Nó biến toàn bộ tỉnh thành một guồng máy thống nhất, sẵn sàng thực thi các quyết sách quy mô lớn.
Và cái thứ hai sẽ không bao giờ được nói ra trên báo quốc doanh: sự kiểm soát mọi biến động của cấp xã sẽ được báo thẳng lên đầu não ở Tỉnh
Đây chính là cơ chế kiểm soát ngược (feedback loop).
Cấp xã là nơi tiếp xúc trực tiếp với dân, là nơi đầu tiên nảy sinh các mâu thuẫn, các điểm nóng, các tin đồn, các biểu hiện bất mãn.
Bằng việc loại bỏ bộ lọc là cấp Huyện, "đầu não" của tỉnh giờ đây có một hệ thống "cảm biến" trực tiếp và nhạy hơn rất nhiều với mọi mâu thuẫn dù nhỏ nhất về đất đai - thứ luôn âm ỉ hàng chục năm nay sau đỏi mới.
Cấp tỉnh có thể nhận được thông tin thô, không bị cắt xén, về tình hình thực tế ở cơ sở.
Điều này cho phép tụi nó phát hiện sớm các nguy cơ bất ổn và dập tắt chúng từ trong trứng nước, hoặc ít nhất là có phương án đối phó trước khi nó lan rộng.
Tiếp theo, là việc tái quy hoạch kinh tế để dọn đường cho các đại dự án và dòng vốn khổng lồ.
Tụi tuyên giáo dùng mấy cụm từ như "mở rộng không gian phát triển", "tạo cực tăng trưởng mới" dịch ra ngôn ngữ thực tế là: giải phóng mặt bằng trên quy mô liên tỉnh.
Quá là đáng ngờ nếu không tính đến sự liên quan đến cái siêu dự án cao tốc và đường sắt bắc nam trị giá hàng chục tỷ đôla.
Trước đây, một tập đoàn lớn muốn làm một khu công nghiệp, một siêu đô thị hay một tuyến cao tốc chạy qua 2-3 tỉnh sẽ phải đàm phán, xin phép và đối mặt với bộ máy quan liêu, thậm chí là các đòi hỏi khác nhau từ mỗi địa phương.
Quá phức tạp và tốn kém thời gian, nhiều doanh nghiệp FDI đã phàn nàn về vấn đề lề mề trong hệ thống hành chính quan liêu này.
Bây giờ, khi TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu là một, thì việc quy hoạch một vùng cảng biển - logistics - công nghiệp công nghệ cao hàng chục nghìn hecta trở nên đơn giản hơn rất nhiều về mặt hành chính.
Tương tự cũng xảy ra với các tỉnh Hải Phòng - Hải Dương hay Đà Nẵng - Quảng Nam.
Đây là hành động tạo ra một "sân chơi" đủ lớn cho các đám tư bản đỏ, tức là các tập đoàn kinh tế hàng đầu trong và ngoài nước được hậu thuẫn bằng quan hệ chứ không phải thực lực vươn lên.
Dòng tiền từ ngân sách sẽ chảy vào những nơi có thể triển khai dự án quy mô lớn một cách nhanh chóng.
Ai có lợi?
Những kẻ nắm quyền quy hoạch vùng đất mới và các tập đoàn sân sau có đủ vốn để nhảy vào.
Cuối cùng thì nguồn lực quốc gia chỉ để nuôi 1 đám kền kền ăn xác , làm giàu nhờ đi đêm để lấy những dự án béo bở.
Thứ ba, đây là một cuộc tái cấu trúc và sàng lọc nhân sự cấp cao lớn nhất trong lịch sử hiện đại
Danh sách dài các Bí thư, Chủ tịch mới được chỉ định không phải là một sự kiện hành chính đơn thuần.
Đó là kết quả của một quá trình lựa chọn, sắp xếp cực kỳ kỹ lưỡng.
Những người được đặt vào vị trí quyền lực ở các "siêu tỉnh" mới này là những người được tin tưởng tuyệt đối về lòng trung thành và năng lực thực thi.
Và hơn nữa còn là để tạo ra những "đặc khu kinh tế" khổng lồ, với một cơ chế chỉ huy-và-kiểm soát (command-and-control) duy nhất, đủ hấp dẫn và đủ "dễ đoán" để đón các đại bàng công nghệ và sản xuất từ Mỹ, châu Âu đang tìm bến đỗ mới.
Một nhà đầu tư tỷ đô sẽ thích nói chuyện với một "siêu Bí thư" có toàn quyền quyết định, hơn là phải đi qua mười cửa ải ở các tỉnh lẻ.
Đây là một nước cờ địa chính trị, một cách để định vị lại Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu, biến mình thành một lựa chọn không thể bỏ qua trong cuộc chiến tranh lạnh mới.
Ai kiểm soát chuyện sắp xếp nhân sự?
Hãy đi hỏi Ban tổ chức Trung Ương của ĐCSVN.
Đồng thời, việc "dôi dư nhân sự" sau sáp nhập là cơ hội vàng để đưa những người không còn phù hợp, hoặc thuộc các phe nhóm cũ, ra khỏi hệ thống một cách "hợp quy trình".
Cái gọi là "tinh giản biên chế" ở đây không chỉ là cắt giảm số lượng, mà là thay đổi chất lượng và bản chất chính trị của đội ngũ cán bộ chủ chốt.
Bàn cờ quyền lực Việt Nam được sắp xếp lại hoàn toàn. Và kẻ chơi cờ này mang họ Tô gốc Hưng yên.
Tuy nhiên, mô hình này cũng tạo ra những áp lực và rủi ro cực lớn.
Một là, "đầu não" của tỉnh sẽ bị quá tải.
Thay vì quản lý mươi mười lăm đầu mối cấp huyện, giờ họ phải xử lý thông tin và ra chỉ đạo trực tiếp cho hàng trăm đầu mối cấp xã.
Nếu lãnh đạo tỉnh không đủ năng lực, hoặc bộ máy tham mưu không đủ mạnh, hệ thống sẽ tắc nghẽn ngay tại đỉnh.
Một quyết định sai lầm từ "đầu não" sẽ có tác động tàn phá trên một quy mô rộng lớn hơn nhiều và nhanh hơn nhiều.
Hai là, cấp xã sẽ bị "ngộp thở".
Họ trở thành tấm lá chắn trực tiếp hứng chịu mọi áp lực từ trên xuống và mọi phản ứng từ dưới lên. Họ nhận lệnh thẳng từ tỉnh, nhưng nguồn lực (con người, tài chính) lại có hạn.
Mọi bức xúc của người dân về chính sách của tỉnh sẽ đổ dồn vào cán bộ xã.
Họ trở thành nơi chịu trận cho toàn bộ hệ thống.
Nhưng cái rủi ro lớn hơn là sự sụp đổ hệ thống theo kiểu domino.
Khi loại bỏ hết lớp trung gian an toàn ở cấp huyện , một cú sốc nhỏ ở cấp xã như cuộc biểu tình về đất đai, ô nhiễm môi trường sẽ không bị chặn lại ở cấp này mà với thẳng lên đầu não tỉnh với tốc độ ánh sáng.
Nếu đầu não xử lý sai một lần, sự bất mãn có thể bùng nổ trên quy mô liên tỉnh ngay lập tức. Hệ thống trở nên nhanh hơn, mạnh hơn, nhưng cũng giòn hơn, dễ gãy hơn rất nhiều. Nó giống như một chiếc xe đua F1, tốc độ kinh hoàng nhưng chỉ một sai lầm nhỏ là tan thành trăm mảnh.
Nói thẳng ra, đây là một canh bạc.
Hệ thống đang đánh đổi sự phân tán, trì trệ của bộ máy cũ để lấy tốc độ và sự kiểm soát tập trung của bộ máy mới.
Nó hiệu quả khi mọi thứ vận hành trơn tru và lãnh đạo đủ sáng suốt.
Nhưng khi có khủng hoảng, nó cũng mong manh hơn vì đã loại bỏ đi các lớp đệm an toàn.
Đám ma của bọn bị loại khỏi cuộc chơi.
Ít ai thèm nhắc hoặc nếu có thì toàn lời ngợi ca cống hiến.
Nhưng hãy nghĩ kỹ hơn.
Đó là hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn quan chức cấp huyện, xã mất ghế, mất quyền, mất lợi.
Chúng không tan vào không khí.
Vẫn ở đó, trong cộng đồng, với mạng lưới quan hệ, với những thông tin nội bộ mà họ nắm giữ, và quan trọng nhất, với sự cay cú.
Đám "cựu sứ quân" này sẽ trở thành một lực lượng ngầm.
Bọn này có thể không dám chống đối công khai, nhưng họ sẽ là nguồn của những vụ rò rỉ thông tin, của sự phá hoại ngầm, của việc "ngáng chân" bộ máy mới.
Những con ma của hệ thống cũ sẽ còn lởn vởn ám ảnh bộ máy mới trong một thời gian dài.
Vậy câu hỏi cuối cùng tao dành cho mày: "rồi sao nữa? "
Sau khi cỗ máy mới này được hình thành, nó sẽ được dùng để làm gì tiếp theo?
Cuộc "thanh lý tài sản" sẽ diễn ra như thế nào?
Dòng vốn mới sẽ được rót vào đâu và ai sẽ là người thực sự điều khiển nó?
Kẻ chơi cờ sẽ đi nước tiếp theo nào trên bàn cờ đã được dọn dẹp sạch sẽ này?
Tự suy ngẫm và trả lời đi.